Hiệu quả từ mô hình trồng ăn trái theo hướng an toàn ở xã Vĩnh Nhuận
Hơn 10 năm trở lại đây, nhiều nông dân trên địa bàn xã Vĩnh Nhuận đã mạnh dạn chuyển đổi từ các cây trồng kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái theo hướng an toàn. Nhờ việc chuyển đổi này giúp nông dân tăng thu nhập, cải thiện đời sống.
Trước đây, gia đình Ông Trần Văn Thủy, ngụ ấp Vĩnh Hòa 1, xã Vĩnh Nhuận canh tác lúa là chủ yếu, mỗi năm, lợi nhuận thu được vài chục triệu đồng. Sau thời gian nghiên cứu, tìm hiểu nhận thấy mô hình trồng sầu riêng theo hướng an toàn cho hiệu quả kinh tế cao nên từ năm 2018, Ông Trần Văn Thủy, mạnh dạn chuyển đổi 1,3ha đất trồng lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng 340 cây sầu riêng Ri 6. Sau hơn 4 năm miệt mài chăm sóc, năm 2022, mô hình trồng sầu riêng của gia đình ông Thuỷ đã bắt đầu bước vào vụ thu hoạch đầu tiên với giá bán dao động từ 70 đến 75.000 đồng/ 1 kg đã giúp gia đình ông Thuỷ có được nguồn thu ổn định. Để có kiến thức canh tác sầu riêng theo hướng mới, ngoài học qua sách báo, ông Thủy còn tìm đến các mô hình canh tác hiệu quả trong và ngoài tỉnh để học hỏi, rút kinh nghiệm về áp dụng tại vườn của mình. Nhờ sự kiên trì học hỏi kinh nghiệm, kiến thức của người đi trước và áp dụng đúng phương pháp, kỹ thuật bón phân, chăm sóc, vườn sầu riêng của gia đình ông Thủy cho năng suất ổn định.từ việc chăm sóc tốt cho vườn suầ riêng nhà, ông Trần Văn Thủy còn thường xuyên hướng dẫn giúp nhiều nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng một cách hiệu quả, tăng thu nhập ổn định cho gia đình.
Sầu Riêng là một trong những loại trái cây có giá trị kinh tế cao, được ưa chuộng trên thị trường nội địa và quốc tế. Với giá trị dinh dưỡng cao và hương vị đặc trưng, sầu riêng không chỉ là một món ăn ngon mà còn được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau như công nghiệp thực phẩm và mỹ phẩm. Đoán trước xu hướng của thị trường ông Trần Văn Minh, ngụ ấp Vĩnh Hòa 2, xã Vĩnh Nhuận cũng đang thu lợi nhuận cao từ vườn sầu riêng (Ri6, Mongthong) của gia đình mình. Với giá trung bình 90- 150 ngàn đồng/kg, trừ chi phí, mỗi năm gia đình ông Minh thu từ lãi vài trăm triệu đồng từ trồng 1ha sầu riêng.
Ông Minh cho biết: “Lúc đầu là tôi tự mày mò và học hỏi kinh nghiệm sản xuất qua sách báo, mạng internet và của những người đi trước. Đồng thời mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sau đó được địa phương quan tâm hỗ trợ kỹ thuật, đế nay vườn sầu riêng của tôi đã tạo ra được những trái sầu riêng đạt chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ khi chuyển sang trồng sầu riêng, thu nhập của gia đình tôi tăng gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Nhờ đó, cuộc sống gia đình cải thiện hơn”.
Hiện tại, trên địa bàn xã Vĩnh Nhuận có tổng diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái là 99,84ha, trong đó, cây sầu riệng chiếm 25,79 hecta/33 hộ. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, nhằm hỗ trợ nông dân kỹ thuật chăm sóc cây trồng, định hướng sản xuất hữu cơ đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Tháng 8 năm 2023, Ông Bùi Văn Cưỡng cùng 56 nông dân trồng cây ăn trái xã Vĩnh Nhuận góp vốn thành lập hợp tác xã sản xuất nông nghiệp Vĩnh Hòa. Với hướng đi này, đã mở ra nhiều triển vọng cho nông dân trồng cây ăn trái xã Vĩnh Nhuận.
Với kinh nghiệm làm nông lâu năm, nhận thấy điều kiện thổ nhưỡng vùng đất Vĩnh Nhuận phù hợp với trồng nhãn Phát Tài, năm 2019, ông Nguyễn Sĩ Ao ấp Vĩnh Lợi, đã mạnh dạn đầu tư 01ha đất của gia đình để trồng nhãn Phát Tài. Đến nay, vườn nhãn của gia đình ông Nguyễn Sĩ Ao đã cho thu hoạch với giá bán bình quân 20 đến 35 ngàn đồng/kg, sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu lợi nhuận trên 120 triệu đồng/ 1 năm. Hiện tại nhiều hộ dân trồng nhãn phát tài đang triển khai thành lập tổ hợp tác để kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường và điều tiết sản xuất nhằm phân khúc cung ứng thị trường phù hợp.
So với các loại cây trồng khác ở địa phương thì nhãn phát tài ít tốn công chăm sóc, chi phí đầu tư ban đầu không cao. Việc chăm bón, tưới nước cho nhãn không quá vất vả, chủ yếu tập trung chăm sóc vào thời điểm nắng nóng trong năm. Quá trình cây phát triển chỉ bón phân hữu cơ để cây có sức nuôi hoa, nuôi trái. Khó khăn khi trong mùa mưa bão, cây dễ gãy, sau 3 năm trồng cây bắt đầu cho trái, mỗi cây dao động từ 20 -50kg.
Nhằm hướng đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp xã nhà, hiện nay, địa phương quy hoạch cụ thể các vùng trồng sầu riêng và liên kết với nhau. Đồng thời xây dựng mã số vùng trồng, đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm; sản xuất sầu riêng theo hướng hữu cơ, an toàn; tăng cường xúc tiến kêu gọi doanh nghiệp đầu tư... nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác. Riêng đối với cây nhãn phát tài, hiện tại chính quyền địa phương đang tiến hành hỗ trợ nông dân lập hồ sơ đăng ký Ocop nhằm tăng giá trị của sản phẩm từ cây nhãn phát tài, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng phù hợp, phát huy lợi thế của địa phương, tăng thu nhập ổn định cho nông dân./.
Kim Xoàng